Mẫu báo cáo thực tập chuẩn nhất mới nhất
Theo dõi viecday365 tạiBáo cáo thực tập đối với bất kỳ ai đã từng trải qua thời sinh viên hẳn đã từng một lần phải dùng đến. Đây được xem như là một giấy tờ quan trọng ở những bước cuối cùng quyết định tấm bằng ra trường của bạn là loại gì. Chính vì vậy, mỗi sinh viên đều khá thận trọng trong việc viết và lập báo cáo thực tập. Thậm chí một báo cáo tốt còn có thể “vớt vát” lại một quá trình thực tập “không thuận lợi” của bạn. Vậy cụ thể là làm thế nào để có một báo cáo thực tập chuẩn và giá trị. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!
1. Báo cáo thực tập là gì?
Thực tập là giai đoạn, thử thách cuối cùng dành cho sinh viên trước khi các bạn ra đời làm nghề. Thông thường thực tập sẽ kéo dài khoảng 2 - 3 tháng và rơi vào năm cuối cùng của sinh viên, sau khi đã kết thúc kiến tập được khoảng gần 1 năm. Tuy nhiên với một số ngành học về thực hành nhiều hơn thì thực tập có thể bắt đầu từ ngay năm thứ hai và kéo dài đến 1 - 2 năm sau đó. Tuy nhiên điểm chung của các bạn sinh viên ở mọi chuyên ngành sau khi thực tập xong đó là đều phải làm báo cáo thực tập.
Báo cáo thực tập chính là một bản báo cáo, tổng hợp những gì bạn đã làm được, học được hay chưa làm được trong quá trình thực tập của bạn ở một cơ quan nào đó. Với báo cáo này các bạn sẽ phải xin được xác nhận, ý kiến của người hướng dẫn thực tập của mình ở cơ quan đó cùng với nhận xét của cả đại diện cơ quan. Sau khi đã hoàn tất đầy đủ các bạn sẽ phải gửi về khoa mình đang theo học để được các giảng viên chuyên môn chấm cho điểm.
2. Chức năng của mẫu báo cáo thực tập
Đương nhiên với bất kỳ một mẫu giấy tờ báo cáo nào thì chức năng đầu tiên của nó bắt buộc phải là tổng hợp thông tin, chi tiết về một quá trình, sự việc nào đó, mà ở đấy chính là kỳ thực tập của bạn. Với chức năng này, người đọc (bao gồm cả người hướng dẫn thực tập tại cơ quan, lẫn giảng viên hướng dẫn) đều có thể nắm được tất cả những gì bạn đã làm trong thời gian học thực tế ngoài đời thực ấy. Cũng thông qua việc này mà báo cáo thực tập tiếp tục thực hiện chức năng thứ hai của mình đó làm cơ sở để chấm điểm. Thầy cô sẽ dựa vào những kết quả ghi trên đó để cho điểm và xếp loại thực tập của bạn.
Bên cạnh đó, báo cáo thực tập cũng được xem như là một cầu nối giữa nhà trường và các cơ quan. Trước khi đến thực tập, bao giờ nhà trường và khoa cũng gửi đến cơ quan mà bạn mong muốn thực tập một tờ giấy giới thiệu và xin tiếp nhận sinh viên thực tập. Vậy nên đến khi kết thúc, bản thân cơ quan đó cũng phải thể hiện sự chịu trách nhiệm của mình về việc tiếp nhận sinh viên thông qua các bình luận, đánh giá được viết trong báo cáo thực tập. Khi đó, người hướng dẫn tại cơ quan đó cũng có thể cho nhà trường biết về chất lượng sinh viên gửi thực tập như thế nào. Cùng với đó, họ có thể đề đạt hay bày tỏ nguyện vọng về việc tiếp nhận sinh viên ở các đợt sau.
2. Cách trình bày báo cáo thực tập tốt nghiệp
Cũng giống như bất kỳ loại tài liệu, luận án nào gửi lên thầy cô bắt buộc đều phải có một cấu trúc nhất định về cả trình bày lẫn nội dung. Báo cáo thực tập cũng như vậy, bản thân nó cũng có một khuôn mẫu nhất với sườn cứng cơ bản để các bạn “đắp” chi tiết lên. Cụ thể, cấu trúc của nó sẽ gồm 2 phần: thứ nhất là hình thức trình bày và thứ hai là bố cục nội dung. Đầu tiên các bạn cần chú ý đó chính là phần hình thức trình bày.
Hình thức thể hiện của một báo cáo thực tập thông thường sẽ là một quyển đóng gáy cẩn thận. Quyển này có thể có độ dày tùy thuộc vào khối lượng công việc cũng như sản phẩm báo cáo của bạn. Ví dụ với những chuyên ngành như báo chí, thiết kế với sản phẩm có thể in ấn thì bắt buộc các bạn phải đính kèm chúng ngay trong quyển báo cáo này, và vì thế mà số lượng trang cũng nhiều hơn. Tuy nhiên dù ít hay nhiều hãy hạn chế để một báo cáo thực tập chỉ vỏn vẹn vài tờ. Điều đó có thể cho thấy sự thiếu trách nhiệm của bạn đối với quá trình thực tập của chính mình.
Khổ giấy được in báo cáo thực tập sẽ là khổ giấy A4 và được in theo chiều dọc hoặc chiều ngang tùy thuộc vào sự trình bày nội dung của bạn trên đấy. Tuy nhiên dù là in ngang hay in dọc các bạn tuyệt đối không được in 2 mặt giấy, mà bắt buộc phải in 1 mặt, điều này vừa thuận tiện cho người đọc cũng vừa khiến cho báo cáo của bạn có phần dày dặn và đầy đủ hơn. Bên ngoài cùng của báo cáo thực tập bao giờ cũng phải có phần bìa báo cáo thực tập, chất liệu cứng. Trên đó, bạn phải ghi đầy đủ các thông tin như: Báo cáo thực tập tốt nghiệp, Tên đề tài, Giảng viên hướng dẫn, Họ tên sinh viên, mã sinh viên, ngày tháng năm sinh.
Bên trong của báo cáo các bạn sẽ trình bày phần nội dung theo đúng nguyên tắc soạn thảo văn bản quy chuẩn hiện nay, đó là:
- Kiểu chữ: Times new roman
- Kích thước chữ: 14
- Dãn dòng: 1,5cm
- Căn lề trái: 3.5cm (để chừa ra cả phần đóng gáy)
- Căn lề phải: 2.0cm
- Căn lề trên: 2.0cm
- Căn lề dưới: 2.0cm
- Đánh số trang ở chính giữa lề dưới hoặc mép phải lề dưới
Xem thêm: Sinh viên và những bài học kinh nghiệm sau khi đi thực tập
3. Cách viết báo cáo thực tập
Sau phần “ngoại hình” thì quan trọng nhất của một báo cáo thực tập chính là phần ruột nội dung bên trong. Với tùy yêu cầu của từng khoa, từng trường đại học khác nhau mà sẽ có yêu cầu về mặt nội dung khác nhau. Song khi tổng hợp này thì một mẫu báo cáo thực tập chuẩn sẽ phải có những phần sau chung dưới đây.
3.1. Giới thiệu về cơ quan thực tập
Phần lời mở đầu báo cáo thực tập sẽ là sự giới thiệu về cơ quan thực tập của bạn. Phần này có thể kéo dài khoảng 2 trang giấy, là tổng hợp của những thông tin khái quát nhất về cơ quan thực tập. Nó sẽ bao gồm 5 phần:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính và địa chỉ nơi bạn thực tập
- Lịch sử hình thành và phát triển của công ty: Thời gian thành lập, người thành lập, và quá trình phát triển (các lần đổi tên hay mở rộng quy mô)
- Cơ cấu tổ chức: Các bạn sẽ thể hiện dưới dạng sơ đồ cây các phòng, ban, ngành, người đứng đầu từng ban. Kèm theo đó là mô tả về chức năng của các bộ phận này.
- Lĩnh vực hoạt động của công ty
- Phạm vị hoạt động của công ty
- Quy mô cơ quan: bao gồm số lượng nhân sự, chi nhánh, năng lực hoạt động, …
- Các giải thưởng, thành tích đã đạt được
Phần này các bạn có thể xin tài liệu từ bộ phận nhân sự của công ty hoặc từ bên truyền thông nội bộ của doanh nghiệp.
3.2. Nội dung thực tập
Bắt đầu từ đây sẽ là phần chính của bài báo cáo thực tập. Ở phần này các bạn sẽ phải trình bày hết các cơ sở lý thuyết mà các bạn đã được học trên trường, từ đó làm nền tảng để áp dụng vào trong quá trình làm việc thực tập của bạn tại cơ quan đó. Điểm số của bạn cao hay thấp cũng sẽ phụ thuộc đến 70% vào phần này. Số điểm này sẽ được đánh giá tổng hợp lại từ 4 phần sau:
- Vị trí, công việc đảm nhiệm: mô tả chính xác về công việc của bạn được giao phó tại cơ quan
- Phương thức làm việc: bạn có thể chia sẻ về quy trình hoặc hình thức làm việc của mình (tại văn phòng, online hoặc trực tiếp tại cơ sở, …)
- Quá trình thực tập và kết quả: Ở phần này thì các bạn nên trình bày dưới dạng bảng gồm có các mốc thời gian, các dự án và kết quả làm việc của bạn
- Phân tích và xử lý số liệu
3.3. Kết quả thực tập
Với phần này, nó gần như một bảng thành tích của bạn trong quá trình thực tập. Bao gồm trong đó có thể là bảng thống kê kết quả làm việc của bạn như chỉ tiêu, KPI, … hoặc cũng có thể là kết quả có thể hiển thị bằng sản phẩm mà bạn có thể chụp ảnh, viết hay ghi lại. Ví dụ với các sản phẩm ở dạng text và hình ảnh có thể in ra và đính kèm ngay sau phần 2 của mẫu báo cáo thực tập. Còn nếu sản phẩm là dạng video, audio thì các bạn có thể sao ra đĩa kẹp chặt sau đó. Ngoài ra các sản phẩm thực tập khác không thể hiện được thì chỉ cần các phần tổng kết, mô tả và tự nhận xét.
Trong phần nội dung kết quả thực tập ấy, các bạn cũng phải chỉ ra được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực tập. Bên cạnh đó là những kinh nghiệm mà bạn đã đúc kết được sau trải nghiệm nghề nghiệp thực tế. Bản thân mỗi sinh viên sau khi thực tập cũng có thể tự đánh giá về sự áp dụng của việc học lý thuyết vào thực hành như thế nào. Song song với đó các bạn cũng có thể chỉ ra những điểm chưa phù hợp trong chương trình giảng dạy và đề xuất các giải pháp để cải cách nội dung đào tạo.
3.4. Kết luận và nhận xét của người hướng dẫn
Và cuối cùng không thể thiếu đó chính là phần kết luận báo cáo thực tập cũng như nhận xét báo cáo thực tập của người hướng dẫn và người đứng đầu cơ quan. Kết luận lại cả toàn bộ quá trình kiến tập, các bạn cũng không nên trình bày quá dài dòng mà chỉ nên khoảng 1 trang với các gạch đầu dòng cụ thể, logic. Ví dụ như:
- Tóm tắt nội dung thực tập
- Điểm mạnh, điểm yếu của bản thân
- Ưu điểm và hạn chế của cơ quan thực tập
- Ý kiến của bản thân về quá trình thực tập
- Nguyện vọng của bản thân sau khi thực tập
Sau những gạch đầu dòng này thì sẽ là phần đánh giá, nhận xét của cơ quan thực tập. Đây cũng là căn cứ để giảng viên (người chấm) có thể cho điểm một cách khách quan nhất. Không chỉ vậy, phần nhận xét đánh giá này của cơ quan thực tập sẽ giống như một lời chứng thực và xác nhận những gì mà sinh viên đã nêu ra trong báo cáo thực tập là đúng. Sau cùng, bạn cũng nên có một lời cảm ơn trong báo cáo thực tập thật chỉn chu, chi tiết.
4. Tải một số mẫu báo cáo thực tập
Hiện nay, thông qua Internet, người dùng có thể download những mẫu báo cáo trên mạng, từ đó có thêm những tham khảo cần thiết nhất để hoàn thành công việc của mình. viecday365.com gửi đến bạn một số mẫu báo cáo thực tập tham khảo sau:
- Báo cáo thực tập nhà thuốc
- Báo cáo thực tập kế toán tiền lương.
- Báo cáo thực tập marketing
- Mẫu báo cáo thực tập mới nhất:
Hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp bạn có được hướng dẫn chi tiết về việc làm báo cáo thực tập một cách thật chính xác.
31283 0