Thời trang nhanh là gì? Liệu bạn đã biết hết về thời trang nhanh chưa?
Tác giả: Bảo Vy
Khi chất lượng cuộc sống được cải thiện là lúc nhiều trào lưu mới cũng đua nhau xuất hiện, một trong số đó chính là thời trang nhanh. Vậy thì thời trang nhanh là gì? Thời trang nhanh có những tác dụng hay hệ lụy gì đối với thế giới không?
1. Thời trang nhanh là gì?
“Thời trang nhanh là gì” chính là câu hỏi mà không phải ai cũng biết câu trả lời, nhiều người thậm chí còn khá xa lạ so với thuật ngữ mới mẻ này. Vậy thì hãy để viecday365.com giải mã từ a đến z về thời trang nhanh giúp bạn nhé!
1.1. Khái niệm thời trang nhanh
Bạn có thể hiểu đơn giản chính là việc gu thời trang muốn giống những “mốt” mới nhất nhưng lại mong chỉ phải trả một chi phí phải chăng cho những món đồ đó, và thế là thời trang nhanh ra đời!
Thời trang nhanh (fast fashion) hay còn được gọi là thời trang ăn liền, chính là các sản phẩm nói một cách dễ nghe là dựa hơi, lấy cảm hứng, còn nói gay gắt thì chính là “ ăn theo ” những mẫu mốt nổi tiếng. Những món đồ này được sản xuất rất nhanh tại kho gia công nhằm kịp cung cấp cho nhu cầu chạy theo mốt của người tiêu dùng, sau đó cũng nhanh chóng được vận chuyển đến các cửa hàng để bày bán.
Thời trang nhanh chọn phương pháp sản xuất chính dựa trên hai tiêu chí: nhiều hơn - nhanh hơn, chính vì vậy nên chất lượng sản phẩm thường không quá cao cấp mà hướng tới mẫu mã tương tự các sản phẩm đình đám từ các nhà mốt lớn.
Xem thêm: Mốt thời trang là gì? Một số kiểu mốt thời trang phổ biến nhất
1.2. Lợi ích của thời trang nhanh là gì?
Với lợi thế về thời gian, thời trang nhanh giúp người tiêu dùng có thể cập nhật, theo đuổi xu hướng thời trang mới nhất trong thời gian ngắn. Không chỉ vậy, mức giá phải chi trả cho những món đồ thời trang nhanh là được đánh giá là khá dễ chịu với phần đông người tiêu dùng.
1.3. Đối tượng của thời trang nhanh là gì?
Nhờ khả năng cập nhật những xu hướng mới nhất một cách nhanh chóng, giá cả lại hợp lý, đối tượng hướng tới của thời trang nhanh chính là giới trẻ, những người có gu thời trang luôn được định hướng bởi trend, bởi những người nổi tiếng.
2. Tại sao lại có thời trang nhanh?
2.1. Nhu cầu của con người
Nếu như cách nay khoảng 30 năm, những năm 8x đầu 9x, đặc biệt là trẻ con, vẫn sẽ vui sướng, mừng rỡ khi được sắm sửa những món quần áo mới, bởi chỉ khi nào có dịp mới được „đổi mốt“ thì giờ đây, thế hệ gen Z hoặc chính thế hệ 8x trước kia đã không còn niềm vui như ngày đó nữa. Nguyên nhân chính bởi sự xuất hiện của thời trang nhanh.
Xã hội càng phát triển, chất lượng cuộc sống của con người ngày một nâng cao, những tiêu chuẩn cũ kĩ như „ăn no mặc ấm“ trước kia dần được thay bằng „ăn ngon mặc đẹp“, „ăn sung mặc sướng“, chính vì vậy thời trang nhanh đã ra đời nhằm đáp ứng những nhu cầu, thị hiếu đó. Con người làm ra của cải vật chất không phải để dè sẻn tích cóp qua ngày, họ cũng muốn điểm tô, „trang trí“ cho bản thân tương ứng với mức tài sản họ làm được như một cách động viên bản thân mình thêm cố gắng trong công việc.
Thực ra thời trang nhanh đã manh nha xuất hiện từ thập niên 7x, khi những hãng thời trang nhận thấy các sản phẩm của họ tuy rất đẹp mắt nhưng giá cả lại khiến đại bộ phận người dân lắc đầu chào thua, trong bối cảnh những ông lớn phân vân chưa biết xử trí ra sao thì những hãng thời trang nhỏ lẻ nhanh chóng chớp thời cơ, nhảy vào cuộc đua thời trang đầy tiềm năng với con át chủ bài: thời trang nhanh. Tuy nhiên lúc đó chưa có định nghĩa về thời trang nhanh là gì mà người tiêu dùng chỉ hiểu đơn giản đây như những bản „dupe“ của các thương hiệu nổi tiếng, những bản „dupe“ này giúp họ trông thời thượng hơn, thu hút hơn, thế là đủ.
Và đó là cách những mẫu mã hao hao sản phẩm đến từ hãng thời trang đình đám với giá chỉ bằng một phần mười có tên gọi thời trang nhanh khiến người tiêu dùng yêu thích.
2.2. Nhu cầu việc làm của những nước thứ 3
Không thể phủ nhận lợi ích của thời trang nhanh đối với nền kinh tế.
Những hãng thời trang nhanh đa phần đặt nhà xưởng tại những nước thứ ba – các nước nghèo đang trong quá trình hiện đại hóa. Những nhà xưởng này cần một nguồn lực lớn vể vận hành nhà xưởng, vừa khéo các nước đang phát triển lúc bấy giờ lại thừa mứa nhân công nhưng thiếu việc làm, và thế là có một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên về lâu dài thì nền công nghiệp thời trang nhanh đã dần xuất hiện những bất cập, nhưng những hãng thời trang bình dân bất chấp để có thể kiếm lợi nhuận.
Xem thêm: Cùng tìm hiểu thông tin về thời trang luxury là gì?
2.3. Tác động của thời trang nhanh là gì?
2.3.1. Nới rộng khoảng cách giàu nghèo
Chính những công nhân công xưởng kia, họ ban đầu chấp nhận mức lương hãng thời trang đề xuất, nhưng rồi sau đó họ nhận ra mọi chuyện tệ hơn mình nghĩ. Lương của họ - dù ở mức ổn – nhưng vẫn khá vất vả so với công việc, và mức lương đó chỉ bằng một phần so với lương cơ bản ở những nước phát triển.
Mặc dù đem lại lợi nhuận khổng lồ nhưng thời trang nhanh thật sự đã tiếp tay nới rộng khoảng cách giàu nghèo, đồng thời bóc lột sức lao động của những người dân các nước đang phát triển mà Việt Nam cũng là một trong số đó.
2.3.2. Gây ô nhiễm môi trường
Người ta mua những bộ đồ mới, vậy là các bộ đồ cũ nếu may mắn thì vẫn sẽ còn được giữ lại trong tủ đồ chờ lần mặc „hữu duyên“, còn nếu kém may mắn có thể bộ đồ đó chưa được mặc lần nào đã bị gắn tag,hết date và đem đi thanh lý.
Những quốc gia phát triển có những trung tâm thu gom quần áo còn mới nhưng bị bỏ như vậy, sau đó họ đem đi „cứu trợ“ tại những nước nghèo. Câu hỏi được đặt ra là, nếu trong đó lẫn cả những món đồ không dùng được thì phải làm gì?
Đúng, thải ra môi trường.
Những rác thải thời trang này rơi vào nhóm không phân hủy, bởi chất liệu để làm nên những bộ đồ đó đa phần là polyester, một hợp chất cùng họ với nhựa. Một chiếc túi nylon mỏng manh đã mất hàng trăm năm để phân hủy, vậy những rác thải thời trang sẽ mất bao lâu để có thể phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên đây? Quá trình sản xuất polyester cũng tạo ra dinitro ocid, một khí gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn carbon diocid gấp 300 lần.
Những loại sợi có nguồn gốc tự nhiên như bông, len, tơ cũng không nằm ngoài chỉ trích khi những cây xanh bị đốn hạ để trồng bông hoặc để sản xuất vải, chưa kể lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng và lượng thuốc nhuộm dùng để tạo màu cho vải.
2.3.3. Tạo thói quen mua sắm lãng phí
Các hãng thời trang nhanh cũng bắt kịp xu hướng khi có thể mua bán online giúp mọi người mua sắm dễ dàng hơn, chưa kể mua online hãng sẽ tung ra những mã giảm giá, miễn phí vận chuyển để kích cầu tiêu dùng hơn, người mua thấy những ưu đãi hấp dẫn nên cũng quyết tâm hưởng trọn, đôi khi còn mua cả những món mình không thực sự cần thiết.
Ngoài ra, với giá thành rẻ, chất lượng của những món đồ thời trang nhanh thường chỉ tàm tạm, nhưng người tiêu dùng cũng không quan tâm, họ không có nhu cầu sử dụng món đồ này nhiều lần trong nhiều năm.
2.3.4. Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Một món đồ của các hãng thời trang nhanh được “thai nghén” trong khoảng 15 ngày, dễ dàng như vậy bởi khâu thiết kế sản phẩm thường được “xào” lại từ những mẫu đang nổi. Các thương hiệu họ thuê người thiết kế mất rất nhiều thời gian, công sức mới có ý tưởng nhưng thời trang nhanh thì không, chỉ cần sao chép rồi chỉnh sửa một chút đã có ngay những mẫu mới sẵn sàng sản xuất số lượng lớn.
Vậy nên không phải chưa từng xảy ra chuyện những hãng thời trang lớn vướng vào các lùm xùm đạo nhái, ăn cắp bản quyền,… với những người thiết kể ít tiếng tăm.
2.3.5. Gây nên sự thiếu hụt việc làm
Việc các hãng thời trang nhanh đua nhau đặt trụ sở tại nước ngoài lại khiến công nhân chính quốc gia đó rơi vào tình trạng thiếu việc làm, đây cũng là một vấn đề nan giải chưa thể tìm ra đáp án.
Vậy là với bài viết trên các bạn đã hiểu được tất tần tật thời trang nhanh là gì và các vấn đề liên quan rồi đúng không? Đừng quên thường xuyên theo dõi blog để cập nhật những tin mới nhất nhé!