Lập trình game là gì? Con đường trở thành người lập trình game
Tác giả: Linh Anh Nguyễn 30-08-2024
Trong số chúng ta nếu ai là người hay chơi game thì chắc hẳn cũng đã từng trầm trồ với những màn chiến đấu với đồ họa đẹp mắt và chân thật. Tất cả những điều này đều được “hô biến” ra thông qua bàn tay tài hoa của những người làm công việc lập trình game. Vậy lập trình game là gì? Con đường để trở thành một người lập trình game chuyên nghiệp? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Tìm hiểu về lập trình game
1.1. Lập trình game là gì?
Nói một cách dễ hiểu nhất thì công việc lập trình game đề cập đến việc sử dụng các dòng lệnh để làm cho video hoặc trò chơi máy tính trở nên sống động hơn.
Từ những thời kỳ đầu tiên trong lịch sử trò chơi điện tử, các lập trình viên thường chịu trách nhiệm về hầu hết các khía cạnh của công việc lập trình game, trong đó bao gồm cả công đoạn thiết kế. Nhưng khi phần cứng máy tính và phần mềm được cải thiện, cùng với đó là các trò chơi ngày càng trở nên phức tạp hơn, công việc thiết kế game đã được tách ra và trở thành một nghề nghiệp riêng biệt – Game Designer.
Nhu cầu về những trải nghiệm trong game của người chơi cũng tăng lên rất nhiều và giờ đây người ta dành nhiều thời gian và sự quan tâm hơn cho những thứ như đồ họa cao cấp hay trí tuệ nhân tạo…
Nhiều nghề nghiệp mới đã được tạo ra và thường có tính chất chuyên biệt hơn. Đặc biệt là tại các studio game lớn hơn như Ubisoft, Blizzard Entertainment và Electronic Arts, người lập trình game không còn phải làm tất cả các công đoạn trong quá trình thiết kế game nữa. Mỗi công đoạn sẽ do một đội ngũ chuyên biệt phụ trách.
1.2. Người lập trình viên game làm những công việc gì?
Về cơ bản, một người lập trình game chịu trách nhiệm viết những đoạn mã, những câu lệnh để làm bộ khung hoạt động cho các trò chơi điện tử. Họ làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất và các bộ phận khác (ví dụ: thiết kế trò chơi, nghệ thuật và hoạt họa, âm thanh...) để hiện thực hóa mục tiêu của dự án thành một trò chơi điện tử với đầy đủ các tính năng, và quan trọng nhất là có thể chơi được.
Họ có thể chịu trách nhiệm lập trình cho bất cứ hoạt động hay sự kiện nào diễn ra trong một không gian trò chơi, từ việc ra lệnh cho nhân vật của bạn thay đổi tốc độ chạy hay nhảy, số lượng kẻ thù xuất hiện và thời điểm xuất hiện, cách mỗi nhân vật phản ứng khi bị tấn công…
Nhiều người vẫn thường có một quan niệm sai lầm về những người lập trình game đó là họ không có nhiều tiếng nói trong việc thiết kế hoặc định hướng phát triển một trò chơi.
Nhưng thực tế, điều đó là không đúng. Có nhiều kiểu lập trình viên khác nhau tùy thuộc vào quy mô của studio và độ phức tạp của dự án. Một người lập trình game không cần thiết phải có sự hiểu biết chuyên sâu về tất cả các công đoạn trong quá trình làm game. Hiện nay, rất nhiều người lập trình game chỉ có chuyên môn ở một hoặc một vài khâu nhất định. Ví dụ: một lập trình viên âm thanh tập trung vào việc kết nối một số âm thanh nhất định với các hành động hoặc sự kiện. Hoặc một lập trình viên AI sẽ ra lệnh cho một nhân vật không phải người chơi (Non-player Character) sẽ phản ứng như thế nào với hành động tiếp theo của bạn.
Một số công việc điển hình của người lập trình game có thể kể đến như:
+ Hiện thực hóa lý thuyết của dự án thành các đoạn mã lệnh để tạo ra một trò chơi có thể chơi được
+ Xây dựng một bộ khung cơ bản cho việc vận hành trò chơi
+ Xây dựng kịch bản game, các sự kiện, các tương tác trong game
+ Xây dựng và mô phỏng các yếu tố vật lý (ví dụ: sự khác biệt về trọng lực trong một trò chơi lấy bối cảnh trong không gian)
+ Phát triển và sửa đổi kết xuất đồ họa 3D
+ Mô phỏng trí thông minh nhân tạo cho các NPC (Non-player Character)
+ Thêm hiệu ứng âm thanh, âm nhạc và thuyết minh
+ Thực hiện logic game và các cơ chế trong trò chơi
+ Thiết kế giao diện người dùng
+ Viết các đoạn mã cụ thể cho bàn phím, chuột hoặc tay cầm điều khiển
+ Giúp người chơi có thể thi đấu hoặc hợp tác chiến đấu qua mạng LAN hoặc internet
+ Phát triển các công cụ tùy chỉnh cấu hình game
+ Chuyển mã lệnh giữa các nền tảng
+ Triển khai các thuật toán, giải quyết các yêu cầu bộ nhớ và các vấn đề về bộ nhớ đệm
+ Tìm ra và sửa lỗi
Xem thêm: Lập trình viên cần học những gì? Xây dựng nền tảng cho tương lai
1.3. Yêu cầu cần có ở một người lập trình game
Người làm công việc lập trình game thường sẽ có nền tảng về khoa học máy tính hoặc lập trình máy tính, kiến thức chuyên môn đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của ngành công nghiệp sản xuất trò chơi. Yêu cầu đối với công việc lập trình game sẽ khác nhau, tuy nhiên nhìn chung thì người lập trình game cần phải đáp ứng được những yêu cầu về cả kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm.
1.3.1. Kỹ năng cứng – Kỹ năng chuyên môn
Nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm các kỹ năng chuyên như sau ở một người ứng viên tiềm năng cho công việc lập trình game:
+ Có thể tham gia đào tạo về khoa học máy tính hoặc lập trình máy tính
+ Kiến thức về phần mềm hoạt hình 2D và 3D
+ Quen thuộc với quy trình sản xuất trò chơi
+ Đam mê trò chơi điện tử và những trải nghiệm với trò chơi
+ Kiến thức chuyên môn về những tiến bộ kỹ thuật và phần mềm trong ngành công nghiệp trò chơi
+ Kiến thức về các thể loại và xu hướng chơi game
1.3.2. Kỹ năng mềm
Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, người làm nghề lập trình game cũng cần có những kỹ năng mềm cần thiết để đảm bảo được hiệu suất làm việc.
Cụ thể:
+ Kỹ năng giải quyết vấn đề
+ Kỹ năng giao tiếp để làm việc với các nhóm sản xuất và sáng tạo
+ Kỹ năng sắp xếp công việc và thời gian
+ Kỹ năng giải quyết vấn đề
+ Tư duy phân tích
+ Khả năng làm việc nhóm và khả năng làm việc độc lập
2. Con đường để trở thành người lập trình game chuyên nghiệp
2.1. Cơ hội việc làm và phát triển của nghề lập trình game
Ngày nay, ngành công nghiệp game đang phát triển ngày càng mạnh mẽ với ước tính hiện đang có khoảng 2,5 tỷ game thủ trên toàn thế giới. Ước tính rằng doanh thu thị trường game toàn cầu dự kiến sẽ đạt tổng cộng 196 tỷ đô la vào năm 2022. Vì vậy, nếu bạn muốn tham gia vào ngành công nghiệp làm game thì đây là thời điểm thích hợp để làm điều đó!
Các lập trình viên đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các trò chơi điện tử, do đó, cơ hội việc làm và con đường phát triển của người làm công việc lập trình game là rất rộng mở. Tuy nhiên, cũng phải nói đây là một ngành có tính cạnh tranh đặc biệt cao, vì vậy để trụ vững được trong ngành này thì điều quan trọng là phải đi đầu xu hướng và có hiểu biết cũng như có thể sử dụng các công cụ và kỹ thuật mới nhất.
Thông thường hầu hết các công đoạn lập trình game sẽ được thực hiện tại studio, tuy vậy bạn cũng vẫn có thể tìm kiếm các dự án cộng tác viên hay những công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa.
Hãy nhớ rằng một nhóm 5 – 10 nhân viên làm việc tại một studio nhỏ sẽ hoạt động rất khác với một nhóm hơn 1.000 người làm việc tại những studio lớn như Ubisoft hoặc EA. Vì vậy, hãy nghĩ xem bạn có khả năng xuất sắc trong môi trường nào để đưa ra lựa chọn thích hợp. Tuy vậy, trong cả hai trường hợp, việc học cách thích nghi nhanh chóng và làm việc dưới áp lực sẽ giúp bạn thành công.
Xem thêm: Top các công ty game ở Việt Nam và cơ hội việc làm mở rộng
2.2. Một số phần mềm lập trình game tốt nhất
Có rất nhiều phần mềm để bạn lựa chọn, nhưng nếu bạn muốn lập trình game một cách chuyên nghiệp, hãy cố gắng học những ngôn ngữ lập trình trò chơi tiêu chuẩn trong ngành và các phần mềm mà các studio lớn đang sử dụng, như C ++, Java, Unreal Engine và Unity 3D.
Bạn có thể “đặt bước đệm đầu tiên” cho con đường trở thành người lập trình game chuyên nghiệp bằng cách học tập cách sử dụng 4 công cụ sau đây:
+ Unreal Engine 4
+ Unity 3D
+ GameMaker Studio 2
+ Construct 3
+ Godot Engine
2.3. Những chú ý cần biết nếu muốn ứng tuyển cho công việc lập trình game
Bạn cần phải có một cái gì đó nổi bật để thể hiện khi bạn ứng tuyển cho vị trí lập trình game. Hãy dành thời gian để làm việc với các dự án và xây dựng Portfolio của bạn thật ấn tượng.
Ngoài việc có một Portfolio và CV ứng tuyển xuất sắc, bạn cũng cần lưu ý 3 mẹo sau đây để nổi bật hơn giữa hàng trăm đối thủ khác.
- Sự tự tin
Bạn sẽ phải thực hiện rất nhiều bài kiểm tra và vượt qua nhiều vòng phỏng vấn. Để vượt qua những điều này, bạn phải tự tin vào bản thân và những kỹ năng của mình. Cách để có được sự tự tin đó là thực hành, làm việc trong các dự án và thúc đẩy bản thân vượt lên khỏi giới hạn của chính mình. Hãy học hỏi thật nhiều để mở rộng kiến thức và nâng trình những kỹ năng của bạn.
- Học tập nghiên cứu
Có rất nhiều hội nghị, buổi nói chuyện, blog… dành cho người làm nghề lập trình game. Hãy tìm hiểu xem những chuyên gia đang nói về điều gì và tìm hiểu những công ty đang tìm kiếm điều gì ở lập trình viên trẻ tuổi.
- Mạng xã hội
Bạn cũng cần tích cực tham gia các diễn đàn, các hội nhóm để có cơ hội giao lưu và học hỏi thêm từ những người có kinh nghiệm.
Thông qua những chia sẻ hữu ích trên đây thì chắc hẳn là bạn cũng nắm được những thông tin cơ bản về lập trình game là gì và những điều cần chú ý để trở thành một người lập trình game chuyên nghiệp. Đây là một ngành nghề đang rất “hot”, nhu cầu về nguồn nhân lực cao và mức thu nhập rất tốt. Nếu bạn có niềm đam mê thì hãy kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc trên con đường đầy khó khăn này nhé. viecday365 chúc bạn sẽ thành công với sự lựa chọn của mình!