Quy trình JSA là gì? Vai trò và sự cần thiết của quy trình JSA
Theo dõi viecday365 tạiJSA – Job Safety Analysis – là một quy trình cần thiết trong quá trình quản lý hoạt động sản xuất của mọi doanh nghiệp. Quy trình này giúp cho doanh nghiệp hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến người lao động và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Vậy cụ thể JSA là gì? Tại sao doanh nghiệp cần áp dụng quy trình JSA? Quy trình JSA được triển khai như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu tất tần tật về JSA trong bài viết dưới đây nhé!
1. Hiểu đúng về Job Safety Analysis – JSA
Job Safety Analysis – JSA, hay có thể hiểu là “Phân tích an toàn lao động” – là một quy trình giúp tích hợp các nguyên tắc về an toàn và sức khỏe đã được công nhận và áp dụng vào một nhiệm vụ hoặc hoạt động công việc cụ thể.
Trong JSA, nhiệm vụ cơ bản nhất là xác định các mối nguy hiểm tiềm ẩn và đề xuất cách thức an toàn nhất để thực hiện công việc. Bên cạnh JSA, các thuật ngữ khác cũng được sử dụng để mô tả quy trình này là phân tích rủi ro công việc (JHA).
Một số cá nhân có xu hướng thích mở rộng việc phân tích sang tất cả các khía cạnh của quá trình là động chứ không chỉ riêng khía cạnh an toàn. Cách tiếp cận này được gọi là “Tổng phân tích công việc”. Phương pháp luận dựa trên ý tưởng rằng an toàn là một phần không thể thiếu trong mọi công việc và không phải là một thực thể riêng biệt.
Các thuật ngữ "công việc" và "nhiệm vụ" thường được sử dụng thay thế cho nhau để chỉ một phân công công việc cụ thể, chẳng hạn như "vận hành máy", "sử dụng bình chữa cháy" hoặc "thay lốp xe bị xẹp". JSA không phù hợp với các công việc được định nghĩa quá rộng, ví dụ, "đại tu động cơ"; hoặc quá hẹp, chẳng hạn như "định vị giắc cắm ô tô".
2. Lợi ích của việc thực hiện JSA
Những lợi ích từ việc xây dựng một quy trình JSA sẽ trở nên rõ ràng trong giai đoạn chuẩn bị trước khi làm việc. Quá trình JSA có thể giúp xác định các mối nguy hiểm chưa được phát hiện trước đó và nâng cao kiến thức về an toàn lao động của những người tham gia đào tạo. Nhận thức về an toàn và sức khỏe được nâng lên, người lao động và người giám sát có nhiều tiếng nói chung hơn. Từ đó vấn đề an toàn lao động được đề cao hơn và những rủi ro, thiệt hại có nguy cơ xảy ra trong quá trình lao động được hạn chế xuống mức thấp nhất.
Một văn bản ghi chép cụ thể và chi tiết những nội dung liên quan đến JSA có thể tạo tiền đề cho sự tiếp xúc thường xuyên hơn giữa người quản lý và người lao động.
JSA cũng có thể được coi như là một công cụ hỗ trợ giảng dạy cho đào tạo công việc ban đầu và một bản hướng dẫn tóm tắt cho các công việc part-time theo giờ.
Ngoài ra JSA còn có thể được sử dụng như một tiêu chuẩn trong việc theo dõi và kiểm tra sức khỏe và an toàn lao động. Trong một vài trường hợp đặc biệt, JSA còn có tác dụng hỗ trợ trong việc hoàn thành việc điều tra các tai nạn một cách toàn diện.
Xem thêm: Khám phá quản trị rủi ro là gì trong môi trường doanh nghiệp
3. Phân tích bốn giai đoạn cơ bản của một quy trình JSA
3.1. Lựa chọn công việc cần thực hiện quy trình JSA
Trong trường hợp lý tưởng nhất thì tất cả các công việc đều cần thực hiện quy trình JSA.
Tuy vậy trong một số trường hợp, những trở ngại gây ra bởi thời gian cần thiết, nguồn nhân lực và những điều kiện khác cần thiết để tiến hành mà quy trình JSA có thể bị lược bỏ đi.
Một vấn đề khác nữa cần phải cân nhắc đó là trong quá trình thực hiện quy trình JSA bất cứ thiết bị, nguyên liệu thô, quy trình sản xuất hoặc môi trường làm việc nào không đạt đủ tiêu chuẩn an toàn lao động đều cần phải được thay đổi.
Vì những lý do này, thông thường việc xác định công việc nào sẽ được áp dụng quy trình JSA là rất cần thiết. Thậm chí ngay cả khi một danh sách các công việc cần áp dụng quy trình JSA đã được hoàn thành thì cũng cần phải đảm bảo rằng các công việc quan trọng nhất sẽ được ưu tiên trước.
Các yếu tố cần được xem xét để thiết lập mức độ ưu tiên cho các công việc cần áp dụng quy trình JSA bao gồm:
+ Tần suất xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tai nạn
Những công việc thường xuyên xảy ra tai nạn hoặc xảy ra không thường xuyên nhưng dẫn đến thương tích nghiêm trọng đều cần được đặt ở mức độ ưu tiên cao.
+ Có khả năng bị thương tích hoặc bệnh tật nghiêm trọng
Hậu quả của tai nạn, điều kiện lao động nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các sản phẩm độc hại trong quá trình lao động là những yếu tố cần phải cân nhắc đến.
+ Các công việc mới
Nếu người lao động chưa có kinh nghiệm và hiểu biết trong các công việc này, thì khó có thể tránh được các mối nguy hiểm khó lường luôn thường trực có thể xảy ra.
+ Các công việc đã được sửa đổi
Việc sửa đổi nội dung công việc có thể dẫn đến nhiều mối nguy mới.
+ Các công việc part-time
Người lao động có thể gặp nhiều rủi ro hơn khi thực hiện các công việc part-time do không nắm chắc được sự thay đổi hoặc tình trạng công việc.
3.2. Chia nhỏ quy trình làm việc thành các bước cơ bản
Sau khi đã lựa chọn được một công việc để áp dụng, bước tiếp theo là chia nhỏ công việc đó thành các bước.
Cần phải cẩn thận để không chia nhỏ công việc thành các bước quá chung chung. Việc bỏ lỡ các bước cụ thể và các mối nguy hiểm liên quan sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi áp dụng quy trình JSA. Mặt khác, nếu chia nhỏ quá chi tiết, sẽ dẫn đến thực trạng là có quá nhiều bước để hoàn thành một công việc. Trên thực tế thì hầu hết các công việc đều có thể được thực hiện với không quá 10 bước cơ bản. Nếu cần nhiều bước hơn, bạn có nghĩ đến phương án chia công việc thành hai phân đoạn, mỗi phân đoạn lại áp dụng một quy trình JSA riêng biệt; hoặc nếu không hãy kết hợp một vài bước nhỏ thành một bước lớn hơn.
Quá trình áp dụng JSA thường được chuẩn bị bằng cách quan sát một công nhân thực hiện công việc. Người quan sát thường là người giám sát trực tiếp và phải có kinh nghiệm và thành thạo trong tất cả các phần của công việc. Bên cạnh đó, để có thể quan sát một cách chân thực nhất những công việc hàng ngày của một người công nhân, người quản lý cần giải thích rõ ràng với người công nhân đó về mục đích của việc quan sát.
JSA không nhằm mục đích giám sát hiệu suất làm việc hay cách thức làm việc của mỗi cá nhân. Mục đích chủ yếu của JSA là nghiên cứu công việc và tìm ra những giải pháp giúp cho quá trình làm việc an toàn hơn bằng cách xác định trước các mối nguy hiểm tiềm ẩn và thực hiện những sự thay đổi để giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy xuất hiện những nguy hiểm đó. Để đạt được mục tiêu này cần có sự phối hợp của người lao động có nhiều kinh nghiệm làm việc. Đồng thời người giám sát cũng cần quan sát công việc của người lao động đó trong thời gian dài dưới điều kiện lao động bình thường. Khi hoàn thành quá trình theo dõi, việc phân tích các bước phải được thảo luận bởi tất cả những người tham gia (bao gồm cả công nhân).
3.3. Xác định các mối nguy hiểm tiềm ẩn
Dựa trên những tư liệu thu được trong quá trình quan sát về công việc, kiến thức về nguyên nhân tai nạn và thương tích cũng như những kinh nghiệm của bản thân, những người chịu trách nhiệm phân tích sẽ liệt kê những lỗi sai có thể phát sinh ở mỗi bước.
Ở bước này, có thể sẽ cần quan sát quá trình làm việc thêm một lần nữa. Quá trình làm việc đã được ghi lại ở lần quan sát thứ nhất nên lần quan sát thứ hai sẽ chủ yếu tập trung vào những mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Để phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn, nhà phân tích công việc có thể sử dụng các câu hỏi sau đây:
+ Bất kỳ bộ phận cơ thể nào có thể bị kẹt hoặc chèn vào giữa các vật thể?
+ Các công cụ, máy móc hoặc thiết bị có gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào không?
+ Người lao động có thể gây hư hại đối với các vật thể chuyển động không?
+ Người lao động có thể bị trượt chân hoặc ngã không?
+ Người lao động có tốn sức khi nâng, đẩy hoặc kéo không?
+ Người lao động có tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp không?
+ Tiếng ồn hoặc độ rung quá mức có ảnh hưởng gì đáng kể không?
+ Có nguy hiểm từ đồ vật rơi xuống không?
+ Điều kiện ánh sáng có ảnh hưởng đến sự an toàn lao động không?
+ Điều kiện thời tiết có thể ảnh hưởng đến sự an toàn lao động ?
+ Trong quá trình lao động máy móc có phát tán bức xạ có hại không?
+ Trong quá trình lao động có tiếp xúc với các chất độc hại không?
+ Có bụi, khói, sương mù hoặc hơi nước trong không khí không?
Xem thêm: Mô tả công việc kỹ sư an toàn lao động chi tiết nhất hiện nay
3.4. Đề xuất các phương án phòng ngừa
Giai đoạn cuối cùng trong quy trình JSA là xác định các biện pháp để loại bỏ hoặc kiểm soát các mối nguy đã được xác định trước đó.
Mức độ ưu tiên thực hiện của các phương án sẽ được viecday365 liệt kê dưới đây.
3.4.1. Loại bỏ các mối nguy hiểm tiềm ẩn
Dĩ nhiên loại bỏ triệt để nguy cơ chính là phương án lý tưởng nhất. Một số giải pháp cụ thể nhằm loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn có thể kể đến như:
+ Thay thế quy trình cũ bằng một quy trình mới an toàn hơn
+ Sửa đổi và cải tiến quy trình hiện tại
+ Thay thế sản phẩm hiện tại bằng sản phẩm có độ nguy hiểm thấp hơn
+ Cải thiện điều kiện lao động
+ Sửa đổi, cải tiến hoặc thay thế hoàn toàn máy móc, dụng cụ lao động
3.4.2. Tránh tiếp xúc với mối nguy hiểm
Nếu không thể loại bỏ các mối nguy hiểm tiềm ẩn thì chỉ còn cách hạn chế sự tiếp xúc với chúng. Nhà tuyển dụng quản lý lao động có thể trang bị những thiết bị đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như giúp hạn chế ảnh hưởng nếu có sự cố phát sinh.
3.4.3. Sửa đổi hoặc cải tiến quy trình làm việc
Có thể xem xét việc sửa đổi hoặc cải tiến các bước nguy hiểm, thay đổi trình tự các bước hoặc bổ sung thêm các bước nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc.
3.4.4. Giảm thiểu mức độ thiệt hại
Đây là biện pháp kém hiệu quả nhất và chỉ nên được sử dụng nếu không thể thực hiện các biện pháp ở trên. Có một cách để giảm thiểu mức độ thiệt hại đó là giảm số lần gặp phải nguy hiểm. Chẳng hạn như cải tiến máy móc để ít cần bảo trì hơn hoặc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động.
Khi hướng dẫn an toàn lao động, không nên ghi chú một cách chung chung như “hãy cẩn thận khi sử dụng”... mà cần có miêu tả và chỉ dẫn chi tiết hơn.
Đến đây thì chắc hẳn bạn đã hiểu được JSA là gì và tại sao các doanh nghiệp sản xuất cần phải thường xuyên tiến hành quy trình JSA. JSA có vai trò rất tích cực trong việc góp phần đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro hay nguy cơ tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình lao động.
1950 0