Quy trình thu hồi nợ của ngân hàng diễn ra như thế nào?

Tác giả: Hà Ngọc Nhi

Hiện nay, mô hình tín dụng cho vay đã có ở tất cả các ngân hàng. Bên cạnh việc nắm bắt những thông tin liên quan đến khoản giới hạn vay, lãi suất cho vay, người vay cũng cần nên quan tâm đến quy trình thu hồi nợ của ngân hàng để chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản trước khi ra quyết định vay tiền từ đây.

1. Quy trình thu hồi nợ của ngân hàng là gì?

Quy trình thu hồi nợ của ngân hàng

Quy trình thu hồi nợ của ngân hàng là chuỗi các bước liên tiếp được ngân hàng thực hiện để thu hồi lại khoản vay đã từng cho cá nhân, tổ chức vay trước đó. 

Quy trình thu hồi nợ diễn ra trong sự điều phối của ngân hàng và những quy định, giám sát của luật pháp quốc gia. Mọi quy trình được đưa ra đều phải tuân thủ các bước chung, ngân hàng không được tự ý bỏ qua bất kỳ một bước nào và người bị thu hồi cần đảm bảo trả lại khoản đã vay theo đúng như thỏa thuận trước và trong khi vay.

Xem thêm: Các loại rủi ro tín dụng trong ngân hàng thường gặp

2. Đối tượng của quy trình thu hồi nợ

Đối tượng thu hồi nợ của ngân hàng là các khoản nợ đã được ngân hàng cho vay trước đó và đang trong tiến trình thu hồi. 

Thông thường, khi không có vấn đề phát sinh vi phạm đến các điều khoản cho vay, người vay sẽ theo đúng lịch đã thỏa thuận trước đó để tiền hành thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng sẽ tuân thủ theo hợp đồng và trả nợ theo định kỳ. 

Đối tượng của quy trình thu hồi nợ

Khi đến thời hạn hợp đồng mà người vay vẫn chưa tiến hành thanh toán hợp đồng cho ngân hàng thì khoản nợ đó sẽ bị xếp vào nợ quá hạn.

Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào vướng vào tình trạng nợ này sẽ có ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của mình. Họ sẽ bị xếp vào đối tượng có điểm tín dụng thấp và sẽ khó khăn hơn trong các lần vay tiếp theo. 

Theo quy định hiện hành của Ngân hàng Việt Nam nợ được phân chia thành 5 nhóm, bao gồm:

- Từ 0-9 ngày: Nợ đủ tiêu chuẩn 

- Từ 10-29 ngày: Nợ cần chú ý  

- Từ 30-89 ngày: Nợ dưới tiêu chuẩn

- Từ 90-179 ngày: Nợ nghi ngờ 

- Từ trên 180 ngày: Nợ có khả năng mất vốn 

Xem thêm: Vì sao cần phải biết tỷ giá bình quân liên ngân hàng là gì?

3. Quy trình thu hồi nợ của ngân hàng

Xử lý nợ, và đặc biệt là nợ quá hạn, nợ xấu là một trong những nghiệp vụ của ngân hàng. Do đó trong mỗi tổ chức ngân hàng đều sẽ có phòng ban hay bộ phận chuyên trách đảm nhiệm xử lý thu hồi nợ bao gồm các chuyên viên xử lý và thu hồi nợ dưới sự giám sát của ngân hàng và quy định của pháp luật. 

Cơ sở để ngân hàng xử lý các khoản nợ quá hạn dựa trên 2 nguồn cơ sở pháp lý:

- Quy định chung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc xử lý nợ quá hạn

- Điều khoản đã được thỏa thuận trước đó đối với hợp đồng cho vay giữa 2 bên

Từ đây, quy trình thu hồi nợ của ngân hàng bao gồm các bước sau đây:

3.1. Bước 1: Thông báo tới người vay

Theo quy định của Luật pháp Việt Nam về quy chế cho vay của tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng có quyền và trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát tình hình khoản vay của khách hàng. 

Tùy theo mỗi tổ chức tín dụng hay ngân hàng mà quy trình thực hiện kiểm tra quá trình vay vốn có sự giống và khác nhau phù hợp với đặc điểm của từng tổ chức. Quá trình kiểm soát này cũng phải tuân theo những điều lệ, thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng và được khách hàng biết đến và nắm rõ. Mục đích của hoạt động này chính là đảm bảo khả năng vốn vay được thu hồi.

Trong quá trình giám sát, nếu khách hàng tiến hành trả nợ muộn hơn kỳ hạn đã thỏa thuận thì ngân hàng cần có biện pháp thông báo cụ thể gửi đến khách hàng để học có thể nắm bắt được thông tin về khoản nợ đã đến kỳ thanh toán của mình. 

Nội dung thông báo cần đảm bảo ít nhất có các thông tin sau: Số dư nợ gốc quá hạn, thời điểm nợ bị chuyển thành nợ quá hạn và áp dụng lãi suất đối với dư nợ gốc quá hạn, lãi chậm trả… 

Thông báo và cơ cấu lại thời gian trả nợ

3.2. Bước 2: Thỏa thuận lại thời hạn trả nợ

Sau khi thông báo về khoản nợ của khách hàng, khách hàng có thể trình bày nguyên nhân chưa thể trả nợ theo đúng kỳ hạn. Nếu đó là lý do ngân hàng có thể chấp nhận được thì hai bên tiến hành thỏa thuận, cơ cấu lại thời hạn trả nợ dựa trên tình hình tài chính của khách hàng và đánh giá của ngân hàng về khả năng trả nợ của khách hàng. Cụ thể là:

- Với khách hàng có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc (và/hoặc lãi vốn vay), đúng số tiền cần phải thanh toán trong kỳ hạn đã được thỏa thuận trên hợp đồng cho vay và được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ trong kỳ hạn tiếp theo thì thời hạn trả nợ sẽ được xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Thỏa thuận giãn thời hạn trả nợ này sẽ giúp người đi vay có thêm thời gian để sắp xếp gửi trả khoản nợ tồn đọng.

- Với khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc (và/hoặc lãi vốn vay) theo đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng và được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau khi vay thì ngân hàng sẽ xem xét gia hạn thời hạn trả nợ theo thời hạn phù hợp với tình hình của khách hàng.

Các khoản dư nợ gốc tồn đọng của khách hàng sẽ được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn hoàn trả về phân loại vào các nhóm nợ thích hợp để thuận tiện cho quá trình giám sát và đánh giá tiếp sau đó.

Ngoài ra, các ngân hàng có thể thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ theo Quy chế cho vay riêng, thông thường sẽ là 10 ngày kể từ ngày đến kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng.

3.3. Bước 3: Ngân hàng áp dụng các biện pháp thu hồi nợ

Tài sản bảo đảm

Sau khi tiến hành thông báo và tạo điều kiện giãn cách thời hạn trả nợ mà khách hàng chưa hoàn trả số nợ đã thông báo trước đó khi hết hạn giãn thời gian thì ngân hàng sẽ tiến hành thu hồi nợ theo các biện pháp sau: 

Xử lý tài sản đảm bảo trong hợp đồng cho vay có tài sản đảm bảo: 

- Trước khi tiến hành xử lý tài sản đảm bảo, ngân hàng phải có văn bản thông báo đến khách hàng về vấn đề này với các nội dung cần được thông báo là: lý do xử lý tài sản đảm bảo; tài sản đảm bảo bị xử lý; thời gian, địa điểm và phương thức xử lý tài sản đảm bảo đó. Cũng tại điều này thì người hiện giữ hoặc sử dụng tài sản đảm bảo đó có trách nhiệm và nghĩa vụ bàn giao lại tài sản cho bên ngân hàng để xử lý. 

- Tài sản đảm bảo sẽ được xử lý bởi ngân hàng theo hợp đồng đảm bảo tiền vay mà hai bên đã ký kết. Các biện pháp xử lý mà pháp luật hiện hành quy định: bán đấu giá tài sản, ngân hàng tự bán tài sản, nhận tài sản thay thế cho việc thanh toán nợ quá hạn và các hình thức khác mà pháp luật không cấm.

- Sau khi tiến hành xử lý tài sản đảm bảo sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất là giá trị tài sản được xử lý nhiều hơn khoản nợ phải trả (gồm cả gốc và lãi) thì ngân hàng phải trả lại số tiền chênh lệch cho khách hàng. Trường hợp thứ hai, giá trị tài sản đảm bảo thấp hơn số nợ phải trả (gồm cả gốc và lãi) thì khách hàng tiếp tục tiến hành trả nợ và số tiền chưa được thanh toán sẽ được tính vào khoản nợ không có tài sản đảm bảo (trừ trường hợp trong Hợp đồng bảo đảm tiền vay của hai bên có thoả thuận khác). Đồng nghĩa với việc ngân hàng có quyền yêu cầu khách hàng tiếp tục thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.

Một biện pháp khác mà ngân hàng có thể thực hiện để thu hồi nợ đó là khởi kiện khách hàng ra các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp có các khoản nợ xấu, không có thiện chí hợp tác thanh toán khoản nợ hoặc trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Theo từng tình huống mà ngân hàng có thể lựa chọn các biện pháp để thu hồi khoản nợ phù hợp đảm bảo theo đúng thỏa thuận hai bên và quy định của pháp luật.

Trả nợ đúng kỳ hạn

Trên đây là toàn bộ quy trình thu hồi nợ của ngân hàng, hy vọng bài viết đã có thể cung cấp cho bạn đọc đang tìm hiểu về quy trình này. Nếu quan tâm về công việc và vị trí liên quan đến xử lý nợ, bạn có thể tìm kiếm tại mục Việc tìm người của viecday365.com.