Trường mầm non xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm
Tác giả: Trần Hải Minh 06-07-2024
Độ tuổi từ 1-6 tuổi là giai đoạn quyết định lớn tới tính cách của trẻ khi lớn lên, rụt rè, nhút nhát hay tự tin, năng nổ; chậm chạp hay hoạt bát, tinh anh. Do đó, một môi trường giáo dục ở độ tuổi này có ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển của thế hệ tương lai.
Trẻ em như tờ giấy trắng quả là không sai, những người xung quanh chúng sẽ là những cây bút vẽ lên những trang giấy đó. Cuối cùng, đứa trẻ đó là một bức tranh xinh đẹp đầy màu sắc hay chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc. Trong thời điểm hiện tại, có quá nhiều những vụ bạo hành trẻ em tại trường học, những bữa cơm chưa đảm bảo sức khỏe và những hành động vô trách nhiệm của một bộ phận cá nhân. Họ vì áp lực, vô ý hay vì một lý do nào khác gây ảnh hưởng tới những mầm non này.
Chính vì thế, ngành giáo dục và đào tạo nâng cao tinh thần, xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm để trường mầm non không những là nơi trông trẻ, mà còn là nơi trẻ em được học thêm những điều mới lạ, học để chơi, chơi để học trong một khuôn viên trường đảm bảo an toàn. Các trường mầm non khắp nơi cũng đã hưởng ứng chuyên đề này, hứa hẹn thực hiện tốt các nhiệm vụ trong chuyên đề.
Giảm nhẹ các yếu tố về lợi ích kinh tế cho nhà trường, lợi ích cho nhà nước và một số đối tượng, tổ chức khác; nâng cao vị trí và tầm quan trọng của yếu tố con người, cụ thể là trẻ em trong nhà trường. Đây chính là kim chỉ nam cho các trường mầm non trên khắp cả nước thực hiện để có một môi trường hoàn hảo nhất giúp cho trẻ em có những năm tháng đầu đời trọn vẹn nhất.
1. Về môi trường ngoài lớp học
Môi trường bên ngoài lớp học chính là phần khu vui chơi, khuôn viên, khu thể chất,...
Các trường học rất chú trọng tới việc vận động thể chất của trẻ, nên trong khuôn viên trường được xây dựng, lắp đặt các thiết bị như cầu trượt, xích đu, các trò chơi đòi hỏi sự khéo léo. Các trò chơi này cần được thiết kế tay vịn, dây an toàn, chiều cao không quá lớn, có thảm đỡ bên dưới để không gây nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, là các sân tập mini đá bóng, bóng chuyền để trẻ có thể phát huy khả năng, vận động cơ thể.
Khuôn viên vườn cây, vườn hoa được tạo ra để học sinh được tham quan, khám phá, tìm hiểu những loại cây, loại hoa. Các cô giáo cũng có thể thông qua hoạt động đó để giúp trẻ hiểu biết và yêu thương môi trường hơn. Các hành động dù ít dù nhiều cũng sẽ tác động đến những hành vi sau này của trẻ.
Không những khuôn viên ngoài trời phải đẹp mắt, mà còn phải đảm bảo yếu tố an toàn. Ví dụ như các thiết bị trò chơi cần được thường xuyên được kiểm tra bảo dưỡng về các mối nối, ốc vít, các chậu cây treo trên cao, vật sắc nhọn có thể gây sát thương,... Trẻ con rất hiếu động, rất thích chạy nhảy, leo trèo lên lan can, tò mò với những vật thể lạ nên có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của chính bản thân mình và cho các bạn nhỏ khác.
Trong quá trình trẻ tham gia hoạt động tại trường, các giáo viên cần hướng dẫn, quan sát, tránh lơ là để bảo vệ an toàn cho trẻ.
Xem thêm: Bảo mẫu là gì? Bí quyết để trở thành một bảo mẫu chuyên nghiệp
2. Môi trường bên trong
Trong lớp học cần có đầy đủ bàn ghế, trang thiết bị dạy học (bảng, màn hình tivi,...), một số các dụng cụ học tập cho trẻ (vở, giấy, bút chì, bút chì màu,...), đồ chơi nhỏ gọn để khi không hoạt động ngoài trời, vào lớp học vẫn có những hoạt động phù hợp hơn.
Không gian lớp học cũng cần đủ rộng để các em có thể nhảy múa, tập vẽ, tập tô. Giá để đồ cá nhân cũng cần được trang bị, phân biệt từng chỗ cho trẻ. Trẻ em chưa biết chữ nên hãy dán ảnh của các em lên mỗi ô để nhận diện. Một hành vi nhỏ thôi cũng giúp các em có thể rèn luyện cho bản thân thói quen ngăn nắp, biết để đồ đúng quy định. Trên tường lớp học có thể dán những thước đo chiều cao hình động vật, các bức tranh do các con tự vẽ như một lời khích lệ, tuyên dương đến với trẻ.
Các hình ảnh trong khuôn viên lớp học cần đầy màu sắc, hình ảnh động vật, cây cối để mỗi ngày đến trường đều là một lần các em bước vào thiên đường cổ tích.
Sau khi học và chơi, thì giáo viên cần tạo cho trẻ thói quen sắp xếp đồ lại chỗ cũ, gọn gàng, ngắn nắp.
Xem thêm: Việc làm giáo viên mầm non
3. Môi trường nhận thức
Những điều mà chúng ta coi là nhỏ nhoi có khi lại tác động lớn tới cuộc đời của một ai đó. Có thể với bạn, có chỉ là một lời khuyên buột miệng nói ra cũng có thể xoa dịu tâm hồn của một người đang rơi vào ngõ cụt; một lời nhận xét thái quá cũng có thể làm tâm trạng của một người đi xuống làm họ luôn canh cánh trong lòng; còn có thể với một hành động nhỏ, một câu nói cũng làm cho một đứa trẻ khắc cốt ghi tâm trở thành một đứa trẻ tốt. Vì vậy, trong môi trường mầm non cũng cần áp dụng điều này.
Xem thêm: Kỹ năng sống là gì? Vai trò của nó đối với sự phát triển của trẻ
Các giáo viên cần phải thấu hiểu tâm lý của trẻ, phát huy những tính tích cực của trẻ. Nếu một đứa trẻ quá nhút nhát, hãy thường xuyên nói chuyện, động viên, khen khi bạn có thành tích tốt, làm được một điều gì đó để bạn cảm thấy bạn cũng có điểm mạnh, bạn cũng giỏi như các bạn khác, bạn sẽ tự tin hơn.
Các trò chơi, chương trình học mỗi ngày cần được thay đổi liên tục theo chủ đề tuần, tháng để tăng khả năng nhận biết, phát huy thế mạnh, sở thích của học sinh. Ví dụ như trong chủ điểm tuần là con vật thì các hoạt động đề phải gắn với con vật: vẽ tranh con vật, nặn hình con vật, lắp ghép hình con vật, trò chơi con vật, các chữ số đề gắn với biểu tượng con vật. Suốt một tuần đó, trẻ sẽ có thể ghi nhớ toàn bộ kiến thức về con vật, mà không bị chi phối vào các yếu tố khác. Đồng thời, trẻ em mầm non còn chưa nhạy bén với chữ và số, nên việc làm dạy học qua hình ảnh rất có hiệu quả với sự ghi nhớ của trẻ.
Xem thêm: Việc làm giáo viên mầm non tại Hà Nội
Đặc biệt, không những giáo dục trẻ em là quan trọng mà các trường học còn cần phải giáo dục, tuyên truyền cho chính phụ huynh, học sinh của mình về chuyên đề này. Để các phụ huynh sẵn sàng cho con em mình đến trường và tha gia các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ bổ ích. Cần nhẹ nhàng đóng góp ý kiến, xây dựng phương thức xử lý hiệu quả, không gây mất tình cảm với những phụ huynh chưa chấp nhận sự thay đổi này.
Hơn nữa, người đầu tiên cần được thấu hiểu nhiệm vụ này là chính nhà trường và các giáo viên để có thể làm đúng, làm tốt và lôi kéo những người khác làm tốt hơn nữa, tạo nên một môi trường văn minh vì trẻ em, vì thế hệ tương lai.
Hiện nay đã có rất nhiều trường mầm non tiên phong, bắt đầu giữ gìn, thực hiện, phát huy chuyên đề một cách nghiêm túc, hiệu quả như trường mầm non Yên Sở ở huyện Hoài Đức, Hà Nội; trường mầm non Xuân Thượng ở Xuân Trường, Nam định,...
viecday365.com mong rằng bài viết trên đã giúp các bạn hiểu hơn về xây dựng môi trường lấy trẻ em làm trung tâm (hay xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm). Chúc cho các bạn nhỏ có thể được nuôi dạy trong một môi trường tốt đẹp nhất, phát triển một cách toàn diện nhất.