Bộ câu hỏi phỏng vấn Giám đốc điều hành mới kèm đáp án!
CEO hay Giám đốc điều hành là một vị trí cấp cao trong các doanh nghiệp. Có thể nói vị trí này mang lại một tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sự thịnh suy của một tổ chức. Việc phỏng vấn trở nên khắt khe và khó khăn hơn là điều dễ hiểu. Đã bao giờ bạn từng nghĩ, tại sao bạn luôn trắng tay trong những buổi phỏng vấn Giám đốc điều hành hay chưa? Nó xuất phát bởi sự kém cỏi ở bạn hay chỉ vì những câu hỏi phỏng vấn chưa bao giờ bạn ngờ tới? Dù thế nào đi chăng nữa, đừng bỏ qua bộ câu hỏi phỏng vấn Giám đốc điều hành được gợi ý sau đây bạn nhé!
1. TOP 10 câu hỏi phỏng vấn Giám đốc điều hành hay nhất
1.1. Hãy nói đôi chút về bản thân của bạn?
Có thể câu hỏi tưởng chừng như đơn giản này làm bạn không phải lo lắng về mức độ quan trọng và cẩn trọng khi trả lời. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, câu hỏi về giới thiệu bản thân luôn là một cách để nhà tuyển dụng tạo cơ hội cho sự sáng tạo và thông minh của bạn. Đặc biệt, nếu có thể thể hiện cá tính và nét đặc trưng riêng, bạn chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng tốt nhất bên trong họ. Thông qua câu trả lời, nhà tuyển dụng sẽ hiểu được con người của bạn.
- Trả lời
Đừng chú trọng quá nhiều về những sở thích cá nhân không liên quan. Với câu hỏi này, bạn chỉ cần chú trọng làm nổi bật hai khía cạnh: Thứ nhất, bạn sở hữu những giá trị nổi trội nào để phù hợp với chức danh lớn này? (có thể trình bày về kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và các kỹ năng liên quan). Thứ hai, lý do gì khiến bạn quan tâm và quyết định ứng tuyển vào vị trí này? (hãy nói về mục tiêu theo đuổi các thử thách, cũng như đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình gây dựng sự nghiệp).
1.2. Chiến lược nào được bạn xây dựng ở công ty cũ và chúng có tầm ảnh hưởng gì?
Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn khai thác được các thông tin về năng lực, tầm nhìn và tư duy chiến lược của bạn trong vị trí CEO - Giám đốc điều hành.
- Trả lời
Trước hết, bạn cần hiểu và xác định được vai trò của một Giám đốc điều hành trong một doanh nghiệp. Tư duy và hoạch định các chiến lược là một trong những vai trò quan trọng của Giám đốc điều hành, nhằm hoàn thành mục tiêu và sứ mệnh của tổ chức. Hãy cụ thể hóa về những chiến lược mà bạn đã từng áp dụng hoặc đã từng lên tiếng ở nơi làm việc cũ. Sau đó, tiếp tục chú trọng vào việc giải thích chiến lược đó đã điều chỉnh, làm thay đổi hoặc kiến tạo công ty như thế nào. Cuối cùng, hãy đưa ra nhận định của bạn về mức độ phù hợp trong vấn đề ứng dụng chiến lược tại công ty cũ cho công ty mới.
1.3. Điều gì làm bạn có thể gắn bó lâu dài ở một công ty?
Là một Giám đốc điều hành - một trong những cán bộ cấp C của doanh nghiệp. Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết những lý do hay yếu tố nào tác động đến quyết định tiếp tục gắn bó hay rời bỏ tổ chức. Vì Giám đốc điều hành cũng là một thành phần trong doanh nghiệp, do đó họ muốn hiểu được tầm quan trọng của một vài yếu tố nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
- Trả lời
Đây là thời điểm thích hợp để bạn có thể nói lên những tiêu chí thu hút và giữ chân nhân tài. Trên thực tế, chính bạn sẽ là người tạo ra các yếu tố đó để nhân viên có thể cảm thấy mình được trọng dụng và có ích trong một môi trường. Việc đề cập đến những chế độ nhân sự, phúc lợi, lương thưởng,... có thể không minh chứng được bạn là một ứng viên tiềm năng. Theo đó, mẹo duy nhất là hãy cố gắng lồng ghép những mong muốn cá nhân của bạn về những gì doanh nghiệp có thể làm cho bạn.
1.4. Hãy nói lý do bạn muốn trở thành CEO của chúng tôi?
Đây hẳn là một cơ hội được nhà tuyển dụng tạo ra, nhằm cho bạn một điều kiện lý tưởng để có thể “tỉ tê” về những mong muốn, khát vọng cá nhân đối với vị trí làm việc này.
- Trả lời
Đáp án cho câu hỏi phỏng vấn Giám đốc điều hành là vô cùng quan trọng. Do đó, đối với câu hỏi trên, bạn nên trình bày hoặc diễn giải cụ thể hơn về những thông điệp mà bạn đã nhắc đến trong đơn hoặc thư xin việc. Chính xác hơn là những lý do khiến bạn quyết định ứng tuyển vào vị trí Giám đốc điều hành của công ty. Hãy thể hiện và minh chứng cho độ quyết tâm, ý chí của bạn trước nhà tuyển dụng. Lý do có thể xuất phát từ lòng ham muốn được thử thách bản thân ở một môi trường mời? Hãy có thể bắt nguồn từ sự ấn tượng về văn hóa, tầm nhìn cũng như sứ mệnh của công ty.
1.5. Chúng tôi nhận thấy kinh nghiệm và chuyên môn của bạn vượt quá yêu cầu mà chúng tôi đưa ra. Bạn thấy điều này thế nào?
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không có xu hướng ưa chuộng việc tuyển dụng những ứng viên vượt xa tiêu chuẩn mà họ đề ra. Vì trên thực tế, họ có thể không đủ tiềm lực để trả công xứng đáng với những gì mà bạn có. Chẳng hạn như trong yêu cầu công việc chỉ cần bằng cấp Cao đẳng, nhưng ứng viên lại có bằng Thạc sĩ,... Do đó, họ muốn hiểu được tâm tư và nhận định của ứng viên về điều này.
- Trả lời
Cách tốt nhất để trả lời cho câu hỏi trên, đó chính là việc thể hiện mức độ mong muốn được cống hiến lâu dài và hợp tác vui vẻ trong công ty. Hãy nói rằng, kinh nghiệm và chuyên môn của bạn có thể rất lý tưởng trong việc hỗ trợ công ty phát triển những chiến lược và mục tiêu hoàn toàn mới. Thêm vào đó, một Giám đốc điều hành có kinh nghiệm, chuyên môn cao cũng là yếu tố mang tính “quảng bá” và giúp công ty tự hào hơn trên thị trường so với các đối thủ.
Câu hỏi phỏng vấn Business Analyst chuẩn nhất
1.6. Hãy kể về một thành công đáng nhớ nhất của bạn?
Cách kể về thành tựu cá nhân luôn mang đến một cái nhìn khác hơn về bạn đối với nhà tuyển dụng. Câu hỏi này cũng có thể là một thước đo kiểm tra độ trung thực và tính khiêm tốn của bạn.
- Trả lời
Kể về câu chuyện thành công của bạn với phong thái tự tin, khiêm tốn và trung thực. Hãy nói hoặc thể hiện ra rằng, bạn thực sự tự hào về bản thân và rất hài lòng với thành tựu đó. Cách mà nó đã đáp ứng được những mục tiêu mà bạn đã đề ra, đừng quên thể hiện rằng bạn không muốn thành công của mình chỉ dừng lại ở đó. Bạn muốn tiếp tục với những thành tựu mới mẻ khác, có thể ở công ty này. Hãy nói về một vài kim chỉ nam mà đã thực sự giúp bạn ứng dụng tốt để đạt được thành công đó.
1.7. Thất bại lớn nhất của bạn trong quá trình làm CEO là gì?
Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết về thái độ cũng như nhận thức của bạn về một hoặc vài thất bại trong công việc. Cách bạn đối diện với thất bại và trình bày về nó cho thấy mức độ của sự ham học hỏi và tiếp tục rút kinh nghiệm của bạn. Không gì là hoàn hảo, và ai ai cũng chắc chắn đã từng hoặc ít nhiều gặp phải những thất bại. Nhưng mấu chốt là nhà tuyển dụng muốn biết được ứng viên tiềm năng của mình đã vượt qua thất bại đó như thế nào và quá trình họ hoàn thiện bản thân.
- Trả lời
Hãy thể hiện việc bạn đối diện và vượt qua thất bại lớn đó như thế nào. Bạn đã hoàn thiện bản thân và tốt hơn ở cấp độ nào? Đừng bao giờ giải thích hoặc lấp liếm bởi những tác động khiến cho công việc của bạn bị thất bại. Hãy nhận trách nhiệm đó về bản thân, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ nhìn bạn bằng một ấn tượng khác.
1.8. Hãy nói cho chúng tôi biết về mục tiêu của bạn?
Những câu hỏi về mục tiêu luôn là cơ hội và điều kiện mà nhà tuyển dụng muốn dành cho ứng viên của mình. Mặc dù có thể họ đã đọc được mục tiêu trong hồ sơ của bạn, nhưng cách bạn trả lời trực tiếp câu hỏi này sẽ ngầm khẳng định bạn có chí hướng và độ kiên quyết như thế nào?
- Trả lời
Định hướng và lộ trình phát triển là những gì mà nhà tuyển dụng muốn biết thông qua câu hỏi về mục tiêu của bạn. Cụ thể hơn, mục tiêu của bạn có gắn liền với tầm nhìn của công ty hay không? Cách mà bạn và công ty tìm thấy những sứ mệnh tương đồng để có thể tiếp tục song hành trong một con đường như thế nào?
1.9. Bạn đang ứng dụng phương pháp quản lý nào?
Vai trò của một Giám đốc điều hành trong các doanh nghiệp luôn chú trọng đến phong cách quản lý. Nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi này nhằm xác định những phương pháp mà bạn muốn áp dụng trong quá trình làm việc của mình, thực sự có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay những điều kiện có sẵn của họ hay không. Thông qua đó, họ có thể thấy được mức độ phù hợp của ứng viên đối với công việc đang tuyển dụng.
- Trả lời
Thận trọng trong cách trả lời nhé, vì chính đáp án của bạn có thể là mấu chốt cho thấy mức độ phù hợp trong công việc mà họ đang cần. Do đó, hãy thực sự chắc chắn về quá trình tìm hiểu, khám phá những đặc trưng, văn hóa, môi trường làm việc của nhà tuyển dụng. Để đưa ra phương án trả lời chính xác nhất.
1.10. Bạn có dự định làm việc cho chúng tôi trong bao lâu?
Có rất nhiều yếu tố tác động đến thời gian cộng tác của ứng viên và nhà tuyển dụng. Chắc chắn các doanh nghiệp luôn yêu thích việc hợp tác với những nhân viên có thực lực và có thể cống hiến nhiều nhất cho doanh nghiệp. Còn với nhân viên, họ luôn muốn làm việc cho những nơi mà họ có thể được phát huy năng lực, được trọng dụng và thỏa mãn những mong muốn cơ bản nhất.
- Trả lời
Câu hỏi này khá làm khó các ứng viên. Nhưng lời khuyên dành cho bạn là hãy cho nhà tuyển dụng biết mong muốn của bạn là tìm kiếm một công việc có thể ổn định về mặt lâu dài. Bạn cũng có thể nói thêm, bạn ứng tuyển vì cảm thấy mình phù hợp với công ty, và bạn muốn được làm việc tại đây cho đến khi công ty không còn trọng dụng hoặc bạn không còn nhìn thấy những yếu tố và cơ hội giúp bạn phát triển nữa.
2. Những câu hỏi phỏng vấn Giám đốc điều hành khác
Bộ câu hỏi phỏng vấn Giám đốc điều hành có thể được các doanh nghiệp thiết kế riêng. Tùy vào lĩnh vực hoạt động và văn hóa tuyển dụng của từng công ty. Suy cho cùng, khi ứng tuyển vào vị trí này, chắc chắn các ứng viên đã tự tin về năng lực ứng xử tình huống và những kỹ năng xã hội của mình. Điều này chính là mấu chốt giúp bạn vượt qua những câu hỏi phỏng vấn mà không cần phải “học tủ” tài liệu ở đâu đó. Quan trọng là hãy cố gắng tập luyện cho buổi phỏng vấn và đừng quên nhà tuyển dụng cũng có thể đặt ra những câu hỏi này:
- Bạn biết và hiểu về công ty của chúng tôi như thế nào? Hãy cho chúng tôi biết điều đó?
- Hãy dự báo về công ty trong vòng 2 năm tiếp theo? Nếu có sự thay đổi, thì bạn có đóng góp nào cho sự thay đổi đó?
- Bạn sở hữu phong cách giao tiếp như thế nào?
- Bạn có kinh nghiệm gì trong việc điều hành những hoạt động kinh doanh tương tự như ngành công nghiệp của chúng tôi đang theo đuổi?
- ...
3. Chứng minh thực lực bằng các câu hỏi ngược
Một Giám đốc điều hành tương lai sẽ không ngần ngại trước các nhà tuyển dụng. Hãy cho mình quyền được chủ động hỏi ngược lại họ, bởi thực tế, bạn rất quan tâm và hứng thú với công việc này. Việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng sẽ minh chứng bạn là một ứng viên khá thú vị, tiềm năng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên có các tư duy và suy nghĩ độc đáo, khiến họ cần học tập ngược lại bạn.
Về các câu hỏi ngược đối với nhà tuyển dụng, hãy chắc rằng những thắc mắc của bạn không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào. Chẳng hạn như những thông tin đã có trên trang web của công ty, trên internet,... Hãy chú trọng hỏi về những điều bạn có chưa rõ về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong công việc, Hoặc hỏi về những định hướng của công ty trong tương lai,...
4. Chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn Giám đốc điều hành hiệu quả
Kinh nghiệm phỏng vấn Giám đốc điều hành hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị chuyên môn và kiến thức của bạn. Mà hãy lưu ý những điểm quan trọng như sau:
- Đừng đến muộn: Thậm chí, hãy đến sớm hơn giờ hẹn của buổi phỏng vấn từ 10 - 15 phút. Việc đến sớm sẽ giúp bạn có kịp thời gian để chuẩn bị tâm lý, quan sát công ty và sẵn sàng về phong cách trước khi bước vào vòng phỏng vấn. Đối với phỏng vấn Giám đốc điều hành mà nói, sự đúng giờ và kỷ luật luôn được ưu tiên hơn bao giờ hết.
- Trang phục phỏng vấn: Trang phục phỏng vấn cho một vị trí Giám đốc điều hành không thể xuề xòa và đơn giản như những vị trí khác. Nếu là ứng viên nữ, hãy khoác lên mình một bộ vest, trang nhã và lịch sự. Đối với ứng viên nam, bạn cũng nên chuẩn bị mang vest, giày tây và đặc biệt là thắt cà vạt nhé.
- Thái độ và phong cách phỏng vấn: Một Giám đốc điều hành tương lai có thể lãnh đạm, khi nói ra toàn những lời chắc cú, có sức nặng. Đừng nói quá nhiều về bản thân, hãy chú trọng vào trọng tâm các câu hỏi phỏng vấn. Đặc biệt luôn giữ thái độ điềm đạm và lịch sự ở buổi phỏng vấn nhé.
Hy vọng những chia sẻ về bộ câu hỏi phỏng vấn Giám đốc điều hành sẽ giúp được bạn một phần trong hành trình chinh phục ước mơ!
5345 0