Xu hướng phát triển của thương mại điện tử ngày nay
Theo dõi viecday365 tạiThương mại điện tử đang trở thành làn sóng kinh doanh có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, cập nhật các xu hướng phát triển của thương mại điện tử để tận dụng thời cơ và gia nhập vào thị trường kinh doanh mới.
1. Thương mại điện tử và làn gió mới trong phương thức bán hàng
Nền móng của Thương mại điện tử được hình thành từ những năm 70 của thế kỷ XX và đã thực sự bùng nổ trong khoảng chục năm trở lại đây trên khắp thế giới cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Khác với hình thức bán hàng truyền thống là người cần mua sẽ đến cửa hàng bán để chọn lựa và thanh toán hàng hóa, thương mại điện tử cho phép khách hàng tìm đến các gian hàng online để lựa chọn sản phẩm, tiến hành thanh toán và chờ đợi sản phẩm được giao về tận nhà.
Mọi hoạt động trao đổi, mua bán, tương tác đều được thực hiện thông qua nền tảng Internet, khắc phục được những trở ngại liên quan đến khoảng cách địa lý. Thương mại điện tử mang lại cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm dễ dàng, tiện lợi và nhanh chóng.
Đi qua đại dịch Covid-19, thương mại điện tử lại càng khẳng định được tương lai trở thành phương thức kinh doanh số đầy tiềm năng của mình. Với phương thức mua hàng không tiếp xúc, thương mại điện tử đã đáp ứng được 2 yêu cầu bức thiết là mua hàng dễ dàng và hạn chế tiếp xúc tối đa với các mầm bệnh trong không gian mở.
Thương mại điện tử đang len lỏi vào khắp ngõ ngách trong đời sống, cung cấp đa dạng các mặt hàng mà trước kia chỉ có thể mua được với hình thức mua hàng truyền thống. Ngày nay, mua bán trên các sàn thương mại điện tử đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Xu hướng phát triển của thương mại điện tử đang áp đảo và đe dọa đến hình thức bán hàng truyền thống.
Xem thêm: Thương mại điện tử là gì? Các đặc điểm của thương mại điện tử
2. Xu hướng phát triển của thương mại điện tử
2.1. Thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội
Khi mới được hình thành, mạng xã hội chỉ là nơi giao lưu kết bạn và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều người nhận thấy có một lượng khách hàng tiềm năng rất lớn đang sử dụng mạng xã hội như một cách để tìm kiếm thông tin. Từ đó, các nhà buôn bán chọn mạng xã hội làm nơi giới thiệu sản phẩm đến với công chúng diện rộng. Họ sẽ đưa các hình ảnh liên quan đến sản phẩm, các thông tin về sản phẩm và những đánh giá khách quan của những khách hàng trước đó để xây dựng hình ảnh thương hiệu cho sản phẩm của mình. Chỉ với một bài viết, họ đã có thể tiếp cận đến đông đảo công chúng thông qua một số công cụ quảng cáo và tài trợ bài viết trên các nền tảng mạng xã hội.
Rõ ràng cách làm này đã giúp nhà kinh doanh tiết kiệm rất nhiều chi phí so với việc xây dựng các hệ thống tiếp thị hữu hình tại các địa điểm khác nhau mà lượng khách hàng có thể tiếp cận không mang lại hiệu quả cao.
Về phía người tiêu dùng, lựa chọn tìm kiếm sản phẩm thông qua nền tảng mạng xã hội khiến họ cảm thấy mọi công việc trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn. Chỉ với vài từ khóa trên thanh tìm kiếm, các sản phẩm sẽ được chọn lọc và đưa đến kết quả mà họ mong muốn. Không những vậy, họ có thể tham gia các diễn đàn chia sẻ, đánh giá về các sản phẩm để có những cái nhìn trực quan, đa dạng từ nhiều phía, cân nhắc trước khi lựa chọn một sản phẩm.
Sự phát triển và nâng cấp của công nghệ kỹ thuật đã mang lại giải pháp tiếp cận khách hàng nhanh, chính xác và đem lại hiệu suất chuyển đổi cao. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Q&Me Vietnam Market Research, tiếp thị trên mạng xã hội đang chiếm lĩnh 84% lượng người mua bán trên nền tảng số, vượt xa so với các phương thức khác.
Mạng xã hội đã trở thành hình thức tiếp thị có sự phát triển mạnh mẽ, phù hợp với nhiều loại hình doanh từ nhỏ đến lớn. Cũng theo khảo sát này thì có đến 94% doanh nghiệp được khảo sát đã thực hiện tiếp thị trên mạng xã hội, trong đó có 79% doanh nghiệp thường xuyên sử dụng mạng xã hội là hình thức quảng bá và tiếp thị sản phẩm của mình.
Mạng xã hội có tính chất lan truyền và kết nối, do đó các sàn thương mại điện tử thường xuyên liên kết với các mạng xã hội như một cách dẫn dắt quảng bá sản phẩm gián tiếp. Mạng xã hội cũng gián tiếp ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các sàn thông qua hàng loạt các hoạt động truyền thông của các sàn trên nền tảng mạng xã hội. Không khó để chúng ta bắt gặp một bài viết giới thiệu sản phẩm hay đề xuất sản phẩm của các sàn trên mạng xã hội, các đường link sản phẩm được cung cấp tại các bài viết để dẫn dắt người truy cập từ mạng xã hội chuyển sang sàn mua bán điện tử.
2.2. Thương mại điện tử trên các thiết bị di động
Thương mại điện tử trên các thiết bị di động cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng đang trở nên phổ biến đối với nhiều người tiêu dùng. Chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính bảng được kết nối với mạng Internet, người tiêu dùng có thể truy cập vào các trang web bán hàng hoặc các ứng dụng bán hàng nền tảng số.
Khi mua bán trên các ứng dụng mua bán được cài đặt trong điện thoại, nó cho phép khách hàng được tiếp cận với kho sản phẩm cực kỳ đa dạng đến từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Nhiệm vụ của bạn trước khi mua hàng đó là lựa chọn sản phẩm dựa trên tổng quan giới thiệu và những feedback mà khách hàng trước để lại, sau chọn lựa, bạn sẽ tiến hành thanh toán thông qua các loại hình ví điện tử được ứng dụng hỗ trợ thanh toán.
Mọi thứ đã trở nên đơn giản, gọn nhẹ và an toàn hơn.
Hơn nữa, thương mại điện tử trên thiết bị di động còn mang đến cho bạn trải nghiệm mua hàng cá nhân hóa. Do các thiết bị di động hầu hết đều là các thiết bị cá nhân, mọi thao tác và hành động trên thiết bị của bạn đều thể hiện đặc điểm hành vi của chỉ riêng mình bạn. Nếu được cho phép, các thiết bị và ứng dụng phần mềm sẽ có quyền theo dõi và tương tác, tổng hợp những đặc điểm liên quan đến thói quen và hành vi của bạn. Từ đó chúng gửi tín hiệu đến các đối tượng cung cấp và đưa ra các đề xuất liên quan đến sở thích và hành vi của bạn trong thời gian gần đây.
Xem thêm: Sàn thương mại điện tử là gì? Hoạt động sàn thương mại điện tử?
2.3. Thương mại điện tử kết hợp nhiều kênh
Để tiếp cận với lượng khách hàng tiềm năng lớn và tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng, nhất thiết những nhà kinh doanh phải biết kết hợp nhiều kênh bán hàng với nhau. Môi một kênh bán hàng đều có những khách hàng đặc thù và lượng khách có thể tiệm cận là khác nhau. Bạn có thể điều chỉnh các thông số liên quan đến nhân khẩu học tại các trang mạng xã hội theo từng phân khúc, mỗi nền tảng mạng xã hội có một bộ chỉ tiêu tiếp cận khác một chút, từ đó bạn có thể tiếp cận với lượng khách hàng rộng lớn hơn.
Tuy nhiên để quản lý các kênh bán hàng này không phải là chuyện dễ dàng, đòi hỏi khả năng bao quát toàn bộ các kênh. Do đó mà nhiều nhà kinh doanh sẽ lựa chọn phân chia nhân lực phù hợp để chuyên trách cho một kênh bán hàng cụ thể.
Bán hàng đa kênh còn có một vấn đề lưu ý nữa mà người kinh doanh cần phải biết. Mỗi kênh bán hàng hiện nay có những đặc điểm riêng biệt, đối tượng sử dụng các kênh cũng khác nhau. Do đó người kinh doanh cần phải sáng suốt trong việc nắm bắt đặc điểm của từng kênh và ứng dụng các đặc điểm đó trong hoạt động mua bán của mình. Trong quá trình xây dựng và phát triển kênh, người bán cần thường xuyên tổng hợp số liệu và thực hiện hoạt động đánh giá hiệu suất của từng kênh, từ đó đưa ra các quyết định tiếp tục phát triển hoặc ngừng bán trên một nền tảng nào đó nếu chúng không thể mang lại hiệu quả như mong đợi.
2.4. Thương mại điện tử MGM/ KOL/ KOC
Đây vẫn được coi là các hình thức bán hàng gián tiếp nhưng mới mẻ đối với các ngành hàng kinh doanh hiện nay.
- MGM (Member Get Member) đây là hình thức tiết kiệm chi phí và đem lại hiệu quả cao trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Nhìn chung hình thức này được mô phỏng là cách mà doanh nghiệp biến khách hàng của mình trở thành những nhân viên bán hàng cho thương hiệu của mình. Doanh nghiệp tận dụng các khách hàng cũ có niềm tin và ấn tượng về sản phẩm của mình, khuyến khích họ giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp đến với người thân và bạn bè có thể qua hình thức giới thiệu trực tiếp hoặc đăng bài chia sẻ sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội.
- KOL (Key opinion Leader), họ là những người có tầm ảnh hưởng đối với xã hội. Khi doanh nghiệp thực hiện các chiến dịch quảng bá truyền thông cho sản phẩm của mình, doanh nghiệp sẽ tiến hành liên kết với các KOL để quảng cáo sản phẩm đến các tệp khách hàng mục tiêu.
- KOC (Key Opinion Customer) tương tự như các KOL, KOC là những khách hàng chủ chốt có một lượng người hâm mộ nhất định và cũng được người kinh doanh thuê về để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên KOC sẽ đứng trên lập trường của người tiêu dùng để đưa ra các nhận xét, đánh giá về sản phẩm, đại diện cho người tiêu dùng nói lên những tiếng nói thông qua quá trình trải nghiệm thực tế về sản phẩm.
Nhìn chung, mọi hình thức bán hàng đều nhằm một mục đích tăng doanh số và lợi nhuận. Trên thị trường cạnh tranh ngày nay, bán hàng theo cách truyền thống là không đủ. Các doanh nghiệp, nhà kinh doanh cần phải nắm bắt thời cơ, cập nhật thị trường mua bán chung cũng như xu hướng phát triển của thương mại điện tử nói riêng. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây của viecday365 sẽ hữu ích với bạn, đừng quên truy cập trang web của chúng tôi thường xuyên để cập nhật bài viết mới nhất nhé.
414 0