Tìm hiểu thông tin về xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch
Theo dõi viecday365 tạiTrong kinh doanh vận tải, chúng ta thường thấy có hai cụm từ là xuất nhập khẩu chính ngạch và xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Bài viết dưới đây mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu, phân biệt xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch nhé.
1. Các khái niệm xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch
1.1. Khái niệm xuất nhập khẩu chính ngạch
Xuất nhập khẩu chính ngạch là một hình thức buôn bán, vận chuyển hàng hóa qua biên giới hai nước. Các thương lái, doanh nghiệp lựa chọn xuất nhập khẩu chính ngạch để giao dịch và buôn bán với một số nước có đường biên giới sát với Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia. Trong xuất nhập khẩu chính ngạch, hàng hóa thường được vận chuyển với số lượng lớn thông qua các cửa khẩu.
Với chính ngạch, pháp luật quy định phải có đầy đủ hợp đồng mua bán, ràng buộc giữa người bán và người mua theo một thông lệ của quốc tế. Hàng hóa khi vận chuyển qua biên giới cũng sẽ phải được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm,… bởi các cơ quan có thẩm quyền. Hai bên cũng phải hoàn tất các thủ tục về thuế trước khi chuyển hàng hóa qua biên giới.
Xem thêm: Tìm kiếm việc làm xuất, nhập khẩu
1.2. Khái niệm xuất nhập khẩu tiểu ngạch
Xuất nhập khẩu tiểu ngạch được hiểu là hình thức buôn bán, trao đổi giữa người dân 2 bên khu vực sát biên giới, thường là các khu vực Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai. Hình thức tiểu ngạch sẽ phù hợp với những mặt hàng nông sản hoặc đồ tiêu dùng hàng ngày như quần áo, giày dép, đồ gia dụng,…
Hình thức này được khá nhiều thương lái, buôn lái sử dụng bởi so với xuất nhập khẩu chính ngạch thì tiểu ngạch có thủ tục dễ dàng, nhanh chóng và chi phí vận chuyển lại thấp hơn. Tuy nhiên không phải giống như cách mọi người vẫn lầm tưởng về hình thức này là một hình thức gian lận thuế hay trốn thuế nào đó, xuất nhập khẩu tiểu ngạch vẫn phải chịu sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng về chất lượng, tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm,… và đóng thuế theo đúng quy định.
2. Phân biệt giữa 2 hình thức xuất nhập khẩu
Xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch là hai hình thức vận tải kinh doanh được nhà nước quy định là hợp pháp, cho phép các hoạt động buôn bán, trao đổi ở biên giới. Mặc dù đều là hình thức kinh doanh vận tải và đều được nhà nước cấp phép và hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển nhưng mỗi hình thức sẽ đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng.
2.1. Về hình thức vận chuyển
- Hàng hóa thuộc hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch sẽ được vận chuyển qua các cửa khẩu lớn và các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm đóng toàn bộ các loại thuế, chi phí liên quan trước khi muốn được thông quan. Với hình thức này thường là các sản phẩm mang tính Quốc tế, có giá trị cao và phải đảm bảo tuyệt đối về chất lượng. Vì hình thức này hàng hóa cũng phải chịu một sự kiểm soát khá khắt khe. Hàng hóa của xuất nhập khẩu chính ngạch thường được vận chuyển bằng máy bay, tàu hoặc các container.
- Với hàng hóa thuộc hình thức xuất nhập khẩu tiểu ngạch sẽ được vận chuyển theo một con đường riêng và gần như sẽ không phải chịu những quy trình kiểm tra quá nghiêm ngặt như chính ngạch. Hình thức xuất nhập khẩu tiểu ngạch vẫn phải đóng thuế theo đúng quy định và ngoài ra đôi khi các thương lái vẫn sẽ bị kiểm tra đột xuất bởi các cơ quan chức năng để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho hàng hóa. Hàng hóa thường được vận chuyển đường bộ bằng phương tiện xe tải.
Xem thêm: Mô tả công việc nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu mới nhất 2024
2.2. Hàng hóa vận chuyển
- Ở xuất nhập khẩu chính ngạch thường sẽ được dùng khi vận chuyển những hàng hóa chất lượng cao, mang tính Quốc tế, hàng hóa nhạy cảm, dễ bị hư hỏng hoặc các hàng hóa có hóa đơn, giấy tờ rõ ràng, đầy đủ. Hàng hóa của hình thức này cũng được yêu cầu phải nhập với số lượng lớn trong mỗi lần vận chuyển. Vì vậy các doanh nghiệp vận tải lớn thường sẽ sử dụng xuất nhập khẩu chính ngạch nhiều hơn.
- Với xuất nhập khẩu tiểu ngạch sẽ là các mặt hàng, sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, không có giá trị quá cao, những loại hàng hóa không dễ hỏng, dễ vỡ như các nông sản, quần áo, giày dép, vải vóc, linh kiện điện tử nhỏ,… Hình thức tiểu ngạch cho phép người kinh doanh được nhập với số lượng hàng hóa nhỏ hơn nhiều so với chính ngạch.
2.3. Giấy tờ thủ tục và thuế
- Thuế suất hàng hóa ở xuất nhập khẩu tiểu ngạch có mức khá thấp, thủ tục thông quan cũng khá dễ dàng. Các thương lái chỉ cần điền đầy đủ tờ khai tiểu ngạch và đóng các chi phí biên mậu. Tuy nhiên cũng chính bởi không có giấy tờ đảm bảo rõ ràng nên hàng hóa theo đường tiểu ngạch rất dễ xảy ra các sự cố trong khi vận chuyển.
- Thuế và các chi phí ở xuất nhập khẩu chính ngạch thường khá cao. Quy trình để thông quan cũng khá phức tạp vì cần phải có đầy đủ phiếu kiểm tra chất lượng hàng, chứng từ, hợp đồng mua bán, hóa đơn theo đúng quy định Quốc tế. Vì thế một số mặt hàng bị đánh thuế khá cao nên giá trị hàng hóa cũng tăng lên đáng kể nhưng bù lại, mức độ an toàn cho hàng hóa lại được đảm bảo tuyệt đối. Ví dụ điển hình cho mức thuế nhập khẩu chính ngạch rất cao đó chính là thuế nhập khẩu ô tô từ nước ngoài về Việt Nam.
2.4. Giá trị khi giao dịch
- Xuất nhập khẩu chính ngạch sẽ không bị quy định giới hạn về số lượng, chi phí hay giá trị của các đơn hàng nên các doanh nghiệp có thể sử dụng vận chuyển bất cứ loại hàng hóa, sản phẩm nào với số lượng không hạn định, miễn sao chúng không phải là những hàng hóa bị pháp luật hiện hành cấm kinh doanh.
- Xuất nhập khẩu tiểu ngạch sẽ phải chịu sự chi phối về số lượng và giá trị bởi các quy định pháp luật. Do đó, trong mỗi lần vận chuyển, các thương lái chỉ được giao dịch một khối lượng hàng hóa cụ thể.
Xem thêm: Xuất khẩu gián tiếp là gì? Ưu, nhược điểm của xuất khẩu gián tiếp
2.5. Thời gian vận chuyển
- Xuất nhập khẩu chính ngạch thường sẽ có thời gian cố định và ổn định nhất. Các doanh nghiệp thường sẽ ưu tiên sử dụng hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch bởi dễ dàng xác định được thời gian hàng về và giao hàng đúng tiến độ mà khách hàng đã yêu cầu. Vận chuyển qua hình thức chính ngạch sẽ không phải chịu các vấn đề như tắc biên, thất lạc đơn hàng,… nên thời gian vận chuyển sẽ nhanh chóng hơn.
- Xuất nhập khẩu tiểu ngạch thường có thời gian vận chuyển lâu hơn so với chính ngạch bởi xuất nhập khẩu tiểu ngạch đi theo một con đường riêng. Ở xuất nhập khẩu tiểu ngạch có nhược điểm lớn nhất là tình trạng tắc biên, rất khó để xác định được thời gian hàng về đến tay người dùng. Đây là nỗi ám ảnh của các thương lái cũng như các khách hàng mỗi lần phải chờ đợi hàng tắc biên được thông quan.
Trên đây là các thông tin mà mình muốn cung cấp tới các bạn về xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Hy vọng các thông tin này sẽ hữu ích cho công việc cũng như cuộc sống của bạn nhé.
1292 0